Trong các giải đua F1, trung bình một lần Pit-Stop các đội đua thường cần 2-3 giây để hoàn thành các hoạt động bảo dưỡng cần thiết như: Thay lốp; Sửa chữa cơ khí; hoặc các hoạt động khác, nhưng có một đội khiến cả thế giới kinh ngạc đó là Đội đua F1 Red Bull đã tạo ra kỷ lục thế giới về thời gian Pit – Stop là 1.82 giây, kỷ lục này được thực hiện tại giải đua Grand Prix Brazil 2019, đội đua này đã giành chức vô địch ở các mùa giải năm 2021 và 2022.
Đằng sau mỗi chiến thắng, cái mà báo chí hay chúng ta nhìn thấy là hình ảnh của tay đua mà không nhìn thấy một tảng băng chìm là đội ngũ, là tinh thần teamwork, là sự cam kết, là quá trình làm việc chăm chỉ, thất bại, đấu tranh… thậm chí cả sự hy sinh. Vậy theo một cách thần kỳ nào mà người lãnh đạo một đội đua có thể khiến cho từng lần Pit-Stop của mỗi đội đua tiết kiệm từng mili giây? Bạn có thể học bài học này để áp dụng cho tổ chức của bạn? Hãy đọc hết bài này để tìm câu trả lời nhé.
1. Người lãnh đạo lôi cuốn được đội ngũ theo mục tiêu của Đội.
Có hai mục tiêu quan trọng mà người lãnh đạo của đội đua cần phải làm được. Đầu tiên người lãnh đạo cần giúp cả đội hiểu rõ mục tiêu cả đội đang hướng đến, các mốc thành quả cần phải đạt được. Thứ hai, mỗi thành viên trong đội hiểu rõ vai trò cụ thể của họ trong việc giúp đội đạt được mục tiêu. Nói một cách khác, để đạt được mục tiêu của đội, các thành viên trong đội cần phải ĐIỀU CHỈNH BẢN THÂN và VAI TRÒ của họ theo mục tiêu.
“90% các nghiên cứu về hiệu suất đã chỉ ra rằng: Mục tiêu cụ thể và có tính thách thức thường dẫn đến hiệu suất cao hơn so với các mục tiêu dễ dàng hoặc mục tiêu “làm hết khả năng” hoặc không có mục tiêu. Mục tiêu ảnh hưởng đến hiệu suất bằng cách hướng dẫn sự chú ý, kích hoạt sự nỗ lực, tăng cường tính kiên nhẫn và thúc đẩy sự phát triển chiến lược”. (Inc.com)
2. Hành động như một “cỗ máy”.
Trong một đội đua, ngoài tay đua F1 còn có các thành viên khác cũng đóng vai trò quan trọng để giúp đội đạt được mục tiêu. Một đội đua bao gồm các nhà quản lý, kỹ sư, nhà phân tích, thợ cơ khí, huấn luyện viên, quản lý truyền thông, nhà sản xuất khung xe và động cơ, và tất cả bọn họ giống như những linh kiện trong một cỗ máy. Do đó người lãnh đạo phải dành thời gian giúp cho các thành viên hiểu vai trò của họ, sự ảnh hưởng của họ tới mục tiêu chung, nguyên tắc cộng tác là văn hoá của đội rất quan trọng. Khi vận hành như một cỗ máy, thì lợi ích của đội luôn đặt trước lợi ích cá nhân, không ai lo lắng về ai.
“Sức mạnh của đội là từng thành viên trong đội. Sức mạnh của từng thành viên là đội.” Phil Jackson
3. Tăng cường sự cộng tác và tính linh hoạt.
Một đội đua có linh hoạt, có khả năng đối phó với các tình huống xấu hay không là hoàn toàn dựa vào văn hoá giao tiếp rõ ràng và minh bạch trong quá trình làm việc hàng ngày, trong quá trình diễn ra cuộc đua. Khả năng giải quyết vấn đề, phát triển kỹ năng và cải thiện hiệu suất của mỗi thành viên trong đội là hành vi then chốt, bởi đây là yếu tố tác động tới các chỉ số hiệu suất và tác động tới việc đội có đạt mục tiêu hay không. Do đó người lãnh đạo cần dành thời gian để đảm bảo rằng văn hoá giao tiếp minh bạch, kịp thời, thường xuyên.
Không chỉ vậy, người lãnh đạo cần thường xuyên đảm bảo đội đang thực sự cộng tác, các thành viên luôn suy nghĩ lại, làm mới, thường xuyên luyện tập có chủ đích hướng tới từng chỉ số hiệu suất và thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất mới.
“Tốc độ, linh hoạt và sự phản ứng là chìa khóa của sự thành công trong tương lai.” Anita Roddick
4. Mỗi thành viên là người thống trị thời gian.
Pit – Stop F1 là một trong những tính năng cực kỳ hấp dẫn và căng thẳng của một Grand Prix. “Trong thực tế, các cuộc đua thường thắng hay thua là ở Pit – Stop và các đội kỹ thuật, vì một lần dừng trong vài giây có thể khiến đối thủ bỏ lại vài trăm mét.” Pit – Stop đòi hỏi độ chính xác, linh hoạt, tốc độ và thời gian. Một người lãnh đạo phải lập kế hoạch và chuẩn bị đội để sẵn sàng giải quyết bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra, để cả tối tối ưu từng mili giây và giành chiến thắng.
Thường, mọi người không để ý đến vấn đề thời gian hoặc chưa chủ động lãnh đạo nó, dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu suất của cả đội. Mỗi giây trôi qua đều quý giá, thời gian bị mất không thể khôi phục được. Do đó người lãnh đạo phải hướng dẫn mỗi thành viên trở thành nhà lãnh đạo của thời gian của họ và sử dụng nó một cách hiệu quả để đạt được mục tiêu của chính họ.
“Hiệu suất không bao giờ là một tai nạn. Đó luôn là kết quả của sự cam kết với sự xuất sắc, lập kế hoạch thông minh và nỗ lực tập trung.” Paul J. Meyer
5. Tôn vinh những chiến thắng nhỏ
Đối với mỗi người lãnh đạo, việc xây dựng văn hóa tôn vinh hoặc ghi nhận những chiến thắng nhỏ trong đội rất quan trọng. Những chiến thắng nhỏ là tiền đề để tạo lên chiến thằng lớn. Bằng cách tập trung vào những chiến thắng nhỏ, chúng ta không chỉ nâng cao tình trạng phúc lợi của nhân viên mà còn củng cố quy trình để dẫn đội vào một chiến thắng lớn. Tôn vinh những chiến thắng nhỏ cung cấp cho người lãnh đạo cơ hội giúp đội nhìn thấy mục tiêu lớn hơn. Nhận ra rằng họ đang gần mục tiêu giúp họ tập trung hơn vào việc đạt được điểm đến cuối cùng.
“Công ty không phải là một gia đình, mà là một đội đua F1, vì chúng ta chỉ có 3 mili giây để tạo lên một chiến thắng”
Nguồn: Varghese Chakkummootil – Linkedin.